Lễ Vu Lan báo hiếu là một trong các đại lễ của Phật Giáo diễn ra vào mỗi dịp rằm tháng 7 (15 tháng 7 âm lịch) nhằm thể hiện sự tưởng nhớ tới cha mẹ, ông bà tổ tiên. Trải qua hàng ngàn năm, đại lễ này đã không còn nằm trong phạm vi phật giáo mà đã lan rộng ra đến tất cả các gia đình và trở thành một trong các ngày lễ lớn của tất cả dân tộc Việt Nam. Nhưng nguồn gốc của Vu Lan này bắt nguồn từ đâu thì không hẳn ai cũng biết. Chính vì vậy hôm nay chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu về nguồn gốc của ngày đại lễ này thông qua bài viết của tác giả Nguyễn Trọng Tuệ đăng trên báo VOV.vn.
Link bài báo: https://vov.vn/doi-song/nguon-goc-cua-mua-vu-lan-bao-hieu-426010.vov
Ông Nguyễn Trọng Tuệ là một chuyên gia phong tử vi, phong thủy đến từ Phong Thủy Vượng Tài. Hiện ông cũng đang giữ chức chủ tịch CLB Phong Thủy Thăng Long, đồng thời là người sáng lập ra diễn đàn Tử Vi Việt Nam có hàng nghìn người truy cập mỗi ngày. Với ngày chục năm nghiên cứu về các bộ môn Phong Thủy cũng như văn hóa Việt Nam, ông đã góp phần giúp rất nhiều người Việt Nam có thể hiểu đúng về văn hóa đất nước thông qua một loạt bài viết trên VOV.nv, Báo Sài Gòn Tiếp Thị, Lịch Sử Việt Nam…
Rằm tháng Bảy – mùa Vu Lan báo hiếu đã đến, trong sâu thẳm của mỗi người lại hướng về nguồn cội để tỏ chút lòng thành của những kẻ làm thân hiếu tử với các đấng sinh thành.
Nhớ câu thơ của cụ Nguyễn Du :
“ Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt
Toát hơi may lạnh buốt xương khô
Não người thay buổi chiều thu
Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng
Đường bạch dương bóng chiều man mác
Dịp đường nê lác đác sương sa
Lòng nào lòng chẳng thiết tha
Cõi dương còn thế, nữa là cõi âm…”
Theo tích nhà Phật, Bồ tát Mục Kiền Liên (Ma Ha Một Ðặc Già La) sinh ra là một người con đại hiếu thảo. Sau khi mẹ ngài là bà Thanh Đề qua đời, ngài đi tu và trở thành một tu sĩ đắc đạo, luyện được đến Lục thông. Có thể nhìn thấu Thiên-Địa. Một hôm, ngài tưởng nhớ đến mẹ, mới vận Lục Thông Thần Nhãn mà soi khắp cõi u minh tìm xem mẹ thế nào thì thấy mẹ mình đang bị đọa dưới địa ngục, bắt làm Ngạ Quỷ (Quỷ đói). Thân hình tiều tụy “phúc đại như cổ, hầu tế như châm, cơ ngạ nan kham, như bị đảo huyền trứ nhất dạng, cực vi thống khổ” – Kinh Vu Lan (Bụng to như cái trống, cổ họng bé như cái kim, đói bụng không chịu nổi, như người bị treo ngược lên, vô cùng khổ ải). Thương mẹ, ngài dụng phép thần thông đưa cơm xuống cho mẹ ăn, do quá đói nên khi bưng tô cơm, mẹ ngài sợ bị các ngạ quỷ khác cướp mất, mới lấy tay che bát cơm đi, vì thế mà bát cơm bốc cháy, biến thành tro tàn. Ngài chợt hiểu ra rằng, do nghiệp chướng của mẹ mình quá nặng, lúc sinh thời giết hại sinh vật, khi máu huyết đem giặt xuống sông, lại chẳng biết thương cùng hoa thảo… vì thế nên mới bị đọa làm ngạ quỷ.Nhớ chuyện xưa, đức Mục Kiền Liên đại hiếu cứu mẹ thoát khỏi cửu trùng u minh ngạ quỷ mà từ đó mới đặt thành ngày Vu Lan, để cho chúng ta có cơ hội thể hiện cái tâm đại hiếu với mẹ cha và các bậc tiền nhân.
Ngài buồn rầu quay về, bạch với Phật tổ, xin người chỉ dạy cho cách cứu mẹ. Phật tổ cho hay, cõi U Minh là nơi âm giới, nơi các vong hồn thọ nghiệp, một mình Mục Kiền Liên không thể nào giải nổi. Muốn mở cửa địa ngục, phải hợp sức chư tăng khắp bốn phương cùng đồng lòng tụng niệm mới mong đạt được ý nguyện. Mục Kiền Liên liền chọn ngày rằm tháng bảy là lúc mà các chư tăng đã hoàn thành khóa tu mùa hè để mở pháp hội, mời các Chư tăng khắp bốn phương đến để cùng tụng niệm. Theo lời Phật dạy, Mục Kiền Liên sắm sanh đủ các món trân quý, đựng trong tô bạc, lại sắm đủ đèn hương, nệm gối để cho chư tăng thập phương. Đúng ngày rằm tháng bảy, lập trai đàn tổ chức cầu nguyện cho cha mẹ ông và bảy đời tổ tiên siêu thoát. Nhờ sức của chư tăng và pháp phật nhiệm màu mà mẹ ông được thoát khói chốn Ngạ Quỷ, được đầu thai về chốn an lành.
Nhân việc ấy mà trở thành lệ, hàng năm cứ đến rằm tháng bảy, khắp chốn đều sắm sanh lễ vật, thỉnh chư tăng đến cầu nguyện để mong cho vong hồn của người thân được siêu thoát. Cũng là dịp để nhân gian thể hiện lòng hiếu thảo với các đấng sinh thành.
Ngoài ý nghĩa báo hiếu, rằm tháng bảy cũng là dịp để nhân gian cùng chư tăng hành thiện, người ta lập đàn cúng chúng sinh, thí thực cứu giúp những vong hồn không nơi nương tựa.
Ngày nay, vì mê tín người ta gọi tháng bảy là tháng “cô hồn”, rồi bày đặt ra kiêng kỵ đủ thứ, từ làm nhà, cưới hỏi, đến giao dịch… nhất nhất đều tránh. Thật là nực cười.
Con người ta sinh ra trên thế gian, sinh lòng tham lam ganh ghét, bọn chen lừa đảo hãm hại lẫn nhau. Nhưng khi thác đi cũng đều bình đẳng như nhau, chỉ phân biệt ở nghiệp quả nặng nhẹ. Cụ Nguyễn Du viết “Văn tế thập loại chúng sinh” :
Kiếp phù sinh như hình như ảnh
Có chữ rằng “vạn cảnh giai không…
Vạn cảnh giai không – tất cả đều trở về với KHÔNG.
“Nào những kẻ màn lan trướng huệ
Những cậy mình cung quế hằng nga”
…
“Nào những kẻ mũ cao áo rộng
Ngọn bút son sống thác ở tay”
Đến:
“Cũng có kẻ nằm cầu gối đất
Dõi tháng ngày hành khất ngược xuôi..”
…
Tất cả khi thác đi cũng đều như nhau cả
Thương thay thập loại chúng sinh
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người!
Hương lửa đã không nơi nương tựa
Hồn mồ côi lần lữa bấy niên
Còn chi ai khá ai hèn
Còn chi mà nói kẻ hiền người ngu
Cũng là một chân lý để con người ta thức tỉnh
“Sống thời tiền chảy bạc ròng
Chết không mang được một đồng nào đi..”
Và mục đích của việc cúng chúng sinh, thí thực là:
“Đàn chẩn tế vâng lời Phật giáo
Của có chi – bát cháo nén nhang
Gọi là manh áo thoi vàng
Giúp cho làm của ăn đàng thăng thiên”
….
Phật hữu tình từ bi phổ độ
Chớ ngại rằng có có không không
Nhân tiết tháng bảy, nguyện cho các bốn phương trời yên biển lặng, tất thảy chúng sinh được an lành./.